Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

BẢN TIN HÀNG TUẦN, số 67

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM A

LỜI CHÚA:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".

Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"

Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".

Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:

Người Do thái thường khinh bỉ và thù nghịch với người Samari. Còn Ðức Giêsu tìm cách tiếp xúc, rao giảng và yêu thương họ. Ngài không kỳ thị và cho họ nhận ra: họ cũng là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương. Tất cả mọi người đều được ơn Cứu Ðộ. Ðó là sứ vụ Ðức Giêsu luôn thao thức và mong được hoàn tất. Ðó là lương thực cần thiết để Ngài thi hành trọn ý Cha.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người không trừ một ai, với điều kiện chúng con biết nhìn nhận mình tội lỗi, là hư vô và tin vào Chúa. Người phụ nữ Samari, từ người được xin nước trở thành người đi xin nước. Bà xin nước sự sống của Chúa, khi đã nhận ra và tin rằng Chúa là Ðấng Kitô.

Xin Chúa biến đổi chúng con để từ tình trạng tội lỗi, chúng con được tái sinh trong nước sự sống của Chúa. Amen.

PHỤNG VỤ Tháng 3, kính thánh Giuse

Thứ 7, ngày 2/4: Kỷ niệm ngày Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời

TIN TỨC

Ông trưởng giáo họ Vô Nhiễm xin nghỉ vì sức khoẻ

Ông Giuse Đỗ Văn Mai, trưởng giáo họ Vô Nhiễm, sinh năm 1946, đã xin nghỉ làm trưởng giáo họ vì sức khoẻ không cho phép. Cha xứ và Hội Đồng Thường Vụ đã chấp thuận lời đề nghị của ông trong cuộc họp tối thứ sáu vừa rồi cùng với ban điều hành giáo họ Vô Nhiễm. Ông Mai cũng đã phục vụ giáo xứ trong trách vụ trưởng giáo họ ở khoá trước. Thay mặt giáo xứ, cám ơn ông đã hy sinh phục vụ công việc nhà Chúa trong nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này.

THÔNG BÁO

Họp Hội đồng mục vụ tháng 3/2011

Kính mời quí vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ gồm: ban điều hành các giáo họ, các đoàn thể, trưởng phó các ca đoàn, hội kèn, trống, trắc, lễ sinh tham dự phiên họp tháng 3 để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh sắp tới.

Ngày khai ngảng lớp giáo lý dự tòng – hôn nhân

Lớp giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân sẽ bắt đầu học vào tối thứ 2, ngày 4/4/2011. những ai đã đăng ký học, xin mời đến tham dự.

chuẩn bị khăn tang cho tuần thánh

Năm nay, ngày tưởng niệm Chúa chịu chết, khi đi tham dự các nghi thức trong ngày thứ 6 và sáng thứ 7 tuần thánh, yêu cầu mọi người mang khăn tang trên đầu. Xin mọi người tự chuẩn bị khăn tang cho mình.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Hình ảnh mừng lễ thánh Giuse, bổn mạng Gia Trưởng


BẢN TIN HÀNG TUẦN, số 66

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM A

LỜI CHÚA: Mt 17, 1-9

"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:

Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.

PHỤNG VỤ Tháng 3, kính thánh Giuse

Thứ 6, ngày 25/3: LỄ TRUYỀN TIN. Lễ trọng.

TIN TỨC

Thảm họa ở Nhật qua những con số

76 nghìn ngôi nhà bị sập sau động đất và sóng thần, 15 nghìn người mất liên lạc và chưa thể xác định được họ có an toàn hay không. 76.000 ngôi nhà bị sập trong thảm họa ở Nhật.

Các con số thiệt hại:

10.000: Theo nguồn tin từ chính phủ nhật số người tử vong do động đất, sóng thần xảy ra từ cuối tuần trước đã vượt qua 10.000 người. Ba tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Miyagi, Iwate và Kukushima.

15.000: Số người mất liên lạc chưa thể xác định là họ có được an toàn hay không.

500.000: Số người đã được sơ tán. Hiện giờ hàng nghìn người đang chờ được cứu giúp và thiếu lương thực, theo nguồn tin từ tờ Mainichi, Nhật Bản.

76.000: Số ngôi nhà bị sập.

6.300: Số ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, theo nguồn tin từ chính phủ Nhật.

3: Số bà cụ được cứu sống khi bị kẹt trong ôtô suốt 24 giờ

215.000: Số khu sơ tán

11: Số lò phản ứng đã ngừng hoạt động. Điện bị cắt luân phiên để tiết kiệm.

5.000.000: Số ngôi nhà bị cắt điện

1.500.000: Con số người thiếu nước ở Nhật Bản.

16%: Con số mà nền kinh tế Nhật Bản suy giảm sau động đất, sóng thần

4: Số lò phản ứng đã bị cháy nổ

102: Số quốc gia trên thế giới đã có biện pháp cứu trợ Nhật Bản trong đó có cứu trợ về lương thực, thuốc men và chó nghiệp vụ.

100: Số tỉ bảng Anh là số tiền ước tính phục hồi đất nước.

100.000: Số lính Nhật đã được huy động đến các vùng bị thiệt hại.

9.0 richter: Mức động đất xảy ra vào ngày 11/3 lịch sử.

8,2 richter: Mức mà Nhà máy điện Fukushima được thiết kế có thể chịu được

1.000 lần: Độ mạnh của động đất, sóng thần ở Nhật Bản so với động đất hồi năm ngoái ở Christchurch, New Zealand.

14: Số tổ chức thế giới đã vào cuộc để hỗ trợ Nhật Bản

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên . Nguồn tin: Tổng hợp/Bưu Điện Việt Nam

Sau vụ động đất, các Giám Mục VN sẽ thăm Nhật Bản

VietCatholic News (14 Mar 2011 08:53)

NHẬT BẢN - Sau khi xẩy ra động đất và sóng thần tại Nhật Bản, VietCatholic có liên lạc với LM Cao Sơn Thân hiện đang làm mục vụ cho người Việt Nam tại Miền Nam Nhật Bản. Ngài cho cho biết một số tin tức như sau:
"Sau động đất ở ngoài biển gần Sendai và vụ sóng thần tàn phá miến Bắc Nhật Bản, hiện nay tổng kết về sự thiệt hại vẫn chưa lường hết được. Sự thiệt hại về nhân mạng cũng như vật chất chỉ là một phần.
Nguy hiểm rò rỉ phóng xạ từ các lò điện nguyên tử thật đáng ngại. Ngoài ra, ảnh hưởng về kinh tế thật nặng nề, vì nhiều hãng xưởng, phố xá bị san bình địa, mất đi nhiều cơ sở hạ tầng.
Hy vọng là với sự tổ chức quy mô và chặt chẽ tại Nhật, cũng có thể hồi phục lại từ từ."
Cha Cao Sơn thân cũng đưa tin thêm là:
"ĐHY Phạm Minh Mẫn cũng gửi thư hiệp thông với Giáo Hội Nhật Bản và tuần sau ĐHY Mẫn và 10 Giám mục Việt Nam sẽ thăm Nhật Bản. Khởi đầu là đến Osaka, rồi từ Nagoya lên Tokyo và sẽ có buổi nói chuyện với HĐGM Nhật.
Xin Cha và mọi người tiếp tục cầu nguyện cho đất nước Nhật Bản và cho chuyến thăm này".

LM Cao Sơn Thân

LM Giuse Nguyễn Tấn Tước được bổ nhiệm tân Giám Mục Phó Phú Cường

VietCatholic News (14 Mar 2011 08:37)

VATICAN. Ngày 14-3-2011, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú Cường.
Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước 53 tuổi, cho đến nay là Giám đốc Trung tâm huấn luyện ứng sinh linh mục của Giáo Phận Phú Cường. Ngài sinh ngày 22-9-1958 tại Chánh Hiệp, Giáo Xứ Mỹ Hảo tỉnh Bình Dương, Giáo Phận Phú Cường. Sau khi theo học 7 năm tại Tiểu chủng viện Phú Cường (1971-1978) và 8 năm tại Đại chủng viện ở địa phương (1980-1988), Thầy Nguyễn Tấn Tước thụ phong Linh Mục ngày 4-4-1991 và nhập tịch Giáo Phận Phú Cường. Sau đó cha làm Phó xứ rồi Cha sở Giáo phận Tha La (1991-2000) trong 9 năm cho đến khi được cử đi du học tại Paris thủ đô Pháp trong 6 năm (2000-2006) và đậu cử nhân giáo luật với một chuyên môn về thần học Kinh Thánh và hệ thống.
Sau khi về nước, từ năm 2006, Cha Nguyễn Tấn Tước làm Giám đốc trung tân huấn luyện các ứng sinh linh mục, đồng thời phụ trách ơn gọi trong giáo phận.
Giáo Phận Phú Cường được thành lập ngày 14-10-1965, tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn, với diện tích 9.543 cây số vuông, 125.274 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2 triệu 580 ngàn dân cư, tương đương với 4,85%. Giáo phận có 78 giáo xứ với 140 linh mục, trong số này có 102 LM giáo phận, 38 LM dòng, 405 nữ tu và 34 đại chủng sinh. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước sẽ phụ giúp Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ năm nay 74 tuổi và sẽ kế nhiệm ngài trong tương lai (SD 14-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP

GP Phan Thiết Mừng Bổn Mạng Đức Cha Giuse và Cầu nguyện cho Nhật Bản

Hân hoan cùng toàn thể Giáo hội trong ngày lễ kính Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Bảo trợ Hội Thánh, vào sáng ngày thứ bảy 19.3.2011, Linh mục đoàn, quý Tu Sĩ, chủng sinh và bà con giáo dân đã đến dâng Thánh Lễ Tạ ơn và chúc mừng Bổn Mạng Đức Cha Giuse, Giám Mục Phan Thiết và 20 cha trong Giáo phận tại nhà thờ Chính Toà.

CÁM ƠN

Anh chị Tài - Tuyền, giáo họ Mactinô, ủng hộ 125000 để mua sách hát cộng đồng

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

BẢN TIN HÀNG TUẦN, số 65

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM A
LỜI CHÚA: Mt 4, 1-11
"Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".
Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng có lời chép rằng: "Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi".
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài". Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Ðức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Ðã là người có tự do và trách nhiệm, nên phải lựa chọn, và đó chính là những thử thách. Cơn thử thách của Ðức Giêsu nhắm đẩy Ngài đi trái ý Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa Cha muốn Ngài thực hiện ơn cứu độ bằng con đường khổ nạn. Cơn cám dỗ lại xúi bẩy Ngài tỏ uy quyền vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng tất cả các mưu chước của sa tan đều bị Ðức Giêsu đánh gục. Ðức Giêsu đã khiêm hạ sống thân phận tự hủy để ý Cha được nên trọn.

Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khiêm hạ sống trọn kiếp người như chúng con. Chúa cũng muốn trải qua những thử thách để cảm thông và trao kinh nghiệm chiến thắng cho chúng con. Gương của Chúa dạy chúng con: Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải cầu nguyện. Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải dùng lời Chúa. Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con làm trọn ý Thiên Chúa Cha. Amen.

PHỤNG VỤ Tháng 3, kính thánh Giuse
Thứ 5, ngày 17/3: thánh Patriciô giám mục
Thứ 6, ngày 18/3: Thánh Cyrilô Giêrusalem tiến sĩ
Thứ 7, ngày 19/3: Thánh GIUSE, bạn trăm năm Đức Maria. Lễ Trọng.

THÔNG BÁO
Thư ngỏ

Trọng kính Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh
và thưa anh chị em giáo dân.

Sắp tới ngày lễ kính Thánh Cả Giuse 19/3, bạn Đức Trinh Nữ Maria, dưỡng phụ Chúa Giêsu, là quan thầy của Đức Cha Giuse, chúng ta hiệp ý một lòng làm Tuần Tam Nhật trước ngày 19/3, để đặc biệt cầu nguyện cho vị Cha Chung đáng mến của Giáo Phận. Tất cả kết thành một món quà thiêng liêng rực rỡ chúc mừng Đức Cha. Nhờ lời bầu cử của Thánh Cả Giuse, xin Chúa ban dồi dào sức khỏe và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để Ngài dìu dắt và hướng dẫn đoàn chiên như lòng Chúa mong ước.
Rất mong mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Thân ái trong Chúa.
Linh Mục Niên Trưởng
Phêrô Phạm Tiến Hành

Chương trình lễ thánh Giuse, bổn mạng gia trưởng, ngày 19/3/2011
Chuẩn bị tâm hồn
Xưng tội rước lễ. Tối thứ 4 tĩnh tâm, chầu Thánh Thể.
Thánh Lễ
Sớm hơn thường lệ: 05g15: chuông 1
5g45: chuông 2, kinh nguyện, rước kiệu Thánh Giuse, thánh lễ.

Khai giảng khoá giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân
Đầu tháng tư năm 2011 sẽ khai giảng khoá 3, giáo lý dự tòng và hôn nhân. Thời gian khoá học từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2011, vào các tối thứ 2 và thứ 4, lúc 7 giờ đến 8 giờ tối.
Những ai muốn tham dự, xin đến nhà xứ ghi danh, vào các buổi sáng trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

BẢN TIN HÀNG TUẦN, số 64

sin

CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN NĂM A

LỜI CHÚA: Mt 7, 21-27

"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'.

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:

Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải chỉ cần một lòng tin trên lý thuyết, trên môi miệng... Ðiều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Ðức Giêsu dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống chúng ta lại không theo giáo huấn của Ngài.

Mỗi tín hữu chúng ta cần xác tín: chỉ có Ðức Giêsu, và ánh sáng Lời Ngài là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Ðức Giêsu, không ai có thể cho chúng ta hạnh phúc đích thực.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng tuyên xưng đức tin. Nhưng nhiều khi chúng con chỉ là những kẻ tin suông: nghĩ hay nói giỏi, đọc kinh nhiều. Còn việc sống theo Lời Chúa dạy thì chúng con chưa quan tâm. Xin giúp chúng con nhận ra những gì giả dối nơi con người mình, và biết khiêm tốn sửa đổi. Chỉ khi nào chúng con sống đức tin, chúng con mới làm cho người khác nhận ra và tin vào Chúa. Amen.

PHỤNG VỤ Tháng 3, kính thánh Giuse

Thứ 2, ngày 7/3: thánh Pêpêtua và thánh Phêlixia tử đạo
Thứ 3, ngày 8/3: Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
Thứ 4, ngày 9/3: LỄ TRO, GIỮ CHAY KIÊNG THỊT

TIN TỨC

Đức Cha Chương, tân Giám Mục Đà Lạt;
Đức Cha Vũ Tất, tân Giám Mục Hưng Hóa

VietCatholic News (01 Mar 2011 11:24)

VATICAN - Ngày 1-3-2010, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, cho đến nay là GM Hưng Hóa, làm tân GM giáo phận Đà Lạt, đồng thời ngài bổ nhiệm Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất làm tân GM chính tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương năm nay 67 tuổi, sinh ngày 14-9-1944 tại Bến Thôn, huyện Thạch Thất, giáo phận Hưng Hóa. Ngài học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt từ 1963-1971 và tốt nghiệp với bằng cử nhân thần học. Thầy Chương thụ phong linh mục ngày 18-12-1971, thuộc giáo phận Cần Thơ. Những năm sau đó, cha Chương làm giáo sư và linh hướng chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, rồi làm Phó Giám đốc, giáo sư Đại chủng viện Cần Thơ cho đến khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa Hưng Hóa ngày 6-7-2003 và thụ phong Giám Mục ngày 1-10 sau đó.

Giáo phận Đà Lạt trống tòa từ ngày 22-4 năm ngoái, sau khi Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng GM Phó Tổng giáo phận Hà Nội và ngày 13-5 sau đó ngài trở thành TGM chính tòa tại đây sau khi đơn xin từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt được ĐTC chính thức chấp nhận và công bố.

Giáo phận Đà Lạt có hơn 312 ngàn tín hữu Công Giáo, trong đó có gần 51.500 là ngừơi dân tộc. Theo thống kê năm 2008, giáo phận có 194 LM, 167 tu huynh và 690 nữ tu.

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 10-3 năm 1944 tại Huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Sơn Bình, Hưng Hóa. Trong 8 năm, từ 1969 đến 1987, thầy Tất theo học riêng triết học và thần học tại tòa GM, đồng thời hành nghề để mưu sinh. Sau đó thày học bổ túc tại Đại chủng viện Hà Nội và thụ phong linh mục ngày 1-4-1987, khi đã 43 tuổi, sau thời gian dài chờ đợi phép của chính quyền.

Sau đó, cha Vũ Tất lần lượt đặc trách mục vụ ơn gọi trong Giáo phận Hưng Hóa (1987-1992), rồi phụ tá Giám quản Giáo Phận trong 4 năm từ 1992. Năm 1995 cha Vũ Tất được gửi sang Roma du học trong 2 năm và đậu cử nhân giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, trước khi học thêm một về mục vụ tại Đại Học Công Giáo Paris (1997-1998).

Trở về nước, Cha Vũ Tất phụ tá tại Tòa GM đồng thời đặc trách mục vụ truyền giáo tại tỉnh Lào Cai (1998-2003). Từ năm 2003 đến năm 2009, cha làm chánh sở giáo xứ Bạch Lộc. Ngoài ra, cha dạy môn Giáo luật tại Đại chủng viện Hà Nội từ năm 1999 đến 2004. Sau cùng từ năm 2005, cha Vũ Tất làm Phó giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, phụ trách cơ sở 2 tại Cổ Nhuế, Sở Kiện.

Giáo Phận Hưng Hóa có diện tích rộng nhất trong 26 giáo phận tại Việt Nam với hơn 54.350 cây số vuông bao gồm 10 tỉnh, với gần 223 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 7 triệu dân cư. Trong số các tín hữu Công giáo có 10 ngàn là người dân tộc.

Hồi năm ngoái, Tòa GM Hưng Hóa cho biết giáo phận này có 75 giáo xứ, 480 giáo họ, nhưng chỉ có 64 linh mục triều, 202 nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Số tu sinh nam nữ khá dồi dào. Hiện nay có khoảng 200 nơi chưa có nhà thờ và trên 100 nhà thờ xuống cấp cần tái thiết hoặc tu sửa. (SD 1-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP

THÔNG BÁO

Thứ 4 Lễ Tro

Ngày Thứ Tư Lễ Tro giữ chay kiêng thịt.

Sẽ có 2 Thánh Lễ sáng và chiều, giờ như thường lệ

Trưa thứ Tư Lễ Tro, vào lúc 11 giờ sẽ Ngắm khai mạc Mùa Chay. Mời cộng đoàn tham dự.

Chương trình lễ thánh Giuse, bổn mạng gia trưởng, ngày 19/3/2011

Chuẩn bị tâm hồn

Xưng tội rước lễ,

Tối thứ 6 tĩnh tâm, chầu Thánh Thể.

Thánh Lễ

Sớm hơn thường lệ: 05g15: chuông 1

5g45: chuông 2, kinh nguyện, rước kiệu Thánh Giuse, thánh lễ.

CHƯƠNG TRÌNH NGẮM MÙA CHAY

Tại nhà thờ giáo xứ: ngắm tối thứ 3,5,7 trước Thánh Lễ

Tại nhà nguyện giáo họ: ngắm tối thứ 2,4. Riêng giáo họ Maria và Giuse Khang ngắm tại nhà thờ xứ.

Khai giảng khoá giáo lý Dự Tòng và Hôn Nhân

Đầu tháng tư năm 2011 sẽ khai giảng khoá 3, giáo lý dự tòng và hôn nhân. Thời gian khoá học từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2011, vào các tối thứ 2 và thứ 4, lúc 7 giờ đến 8 giờ tối.

Những ai muốn tham dự, xin đến nhà xứ ghi danh, vào các buổi sáng trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6.

CÁM ƠN

Chị Hưởng, giáo họ Giuse Khang, ủng hộ trại huynh trưởng 50.000 đồng

CÁO PHÓ

Tòa Giám Mục Phan Thiết

Kính báo cùng Quí Cha,

Quí Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em Giáo Dân:

LM GIOAN BAOTIXITA CAO VĨNH PHAN

sinh ngày 18/04/1924

về Nhà Cha lúc 9g00 sáng ngày 05/03/2011,

tại Nhà Hưu Dưỡng Linh mục Phan Thiết.

Thánh lễ Tẩm liệm lúc 20g00, ngày Thứ Bảy 05/03/2011,

tại Nhà Hưu Dưỡng – Giáo Phận Phan Thiết.

Di quan lúc 7g30, ngày Thứ Hai 07/03/2011.

Thánh lễ an táng lúc 8g30 ngày Thứ Hai 07/03/2011, tại Nhà thờ Vinh An.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2011 của Đức Cha Giuse

Kính gửi:

Anh em linh mục, chủng sinh;

Anh chị em tu sĩ, giáo dân Giáo Phận Phan Thiết

Anh chị em thân mến,

Nối tiếp mùa xuân đất trời, với những niềm vui rộn ràng ghi dấu năm đầu của thập kỷ mới, Mùa Chay linh thiêng lại về với đời sống tín hữu công giáo chúng ta. Mùa chay là thời gian 40 ngày dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, trải dài từ Lễ Tro cho đến Tuần Thánh, lặp lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa khi chuẩn bị bước vào đời công khai rao giảng Tin Mừng (Mt 4,2). Con số 40 còn lặp lại nhiều biến cố khác trong lịch sử cứu độ như 40 ngày của Êlia trên núi Horeb dọn mình thực thi sứ vụ Chúa trao (1 V 19,8), như 40 ngày của Môsê trên núi Sinai chuẩn bị đón nhận thập điều Chúa dạy (Xh 34,28), và như 40 năm dân Chúa lưu lạc trong hoang địa dọn lòng đặt chân vào đất hứa. Mùa Chay như vậy là thời điểm thuận lợi để sống mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Kitô thông qua việc chay tịnh để sẵn sàng mừng lễ Phục Sinh. Nhưng Mùa Chay không chỉ là việc chay tịnh, cho dẫu khởi đầu và kết thúc Mùa Chay được diễn ra bằng việc buộc ăn chay và kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Mùa Chay còn là mùa xuân tâm hồn với những sinh hoạt đổi mới đời sống đức tin.

1. Mùa Chay là mùa cầu nguyện

Trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, cầu nguyện là một sinh hoạt thường xuyên ví như hơi thở. Ngày nào còn thở, ngày ấy còn sống; ngày nào còn cầu nguyện, ngày ấy còn nhận được sự sống từ chính Thiên Chúa. Giống như tắt thở đồng nghĩa với chết, hết cầu nguyện có nghĩa là tự tách mình ra khỏi sự sống thần linh. Ngày nào cũng cần cầu nguyện, nhưng Mùa Chay là mùa thực hành việc cầu nguyện một cách đậm đặc hơn, cả về thời lượng lẫn chất lượng.

Đọc kinh sáng tối theo lối truyền thống hay theo các giờ kinh phụng vụ là một cách cầu nguyện cơ bản không thể thiếu được. Đọc và suy niệm Phúc Âm là một cách cầu nguyện đem lại kết quả phong phú cho đời sống tâm linh cũng như cho đời sống xã hội, đã được chứng thực qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Ngắm Đàng Thánh Giá lại là một cách cầu nguyện đặc trưng của Mùa Chay, vốn được thực hành cách sốt sắng tại các cộng đoàn hay trong đời sống cá nhân. Ngoài ra không thể không nhắc đến việc tĩnh tâm, linh thao hoặc tuần đại phúc theo thói quen tại nhiều nơi là một sinh hoạt từ lâu gắn liền với cao điểm Mùa Chay, trong đó việc cầu nguyện mở ra cánh cửa hồng ân giúp thêm điều kiện kết hợp với Thiên Chúa một cách tương thích và trọn vẹn hơn.

Những ai vì điều kiện sinh hoạt hoặc vì lý do sức khỏe không tham gia cầu nguyện cách bình thường được, cũng có thể hợp lòng với cộng đoàn trong những ý nguyện chung hay dâng những hy sinh trong hoàn cảnh cụ thể bằng những lời cầu nguyện vắn tắt thích hợp. Cầu nguyện là nhịp cầu làm bằng kinh nguyện nối liền sự sống giữa tín hữu và Thiên Chúa.

2. Mùa Chay là mùa canh tân

Khởi đầu rao giảng, Chúa Giêsu đã để lại lời kêu gọi “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15), để từ đó trở thành tiếng gọi vang lên trong phụng vụ mỗi khi Mùa Chay trở về. Nếu “sám hối” là nói không với tội lỗi thì “tin vào Phúc Âm” chính là nhịp bước trên nẻo chính đường ngay mà nhận lấy ơn cứu rỗi. Không sám hối, không thể tin nhận Phúc Âm; cũng thế, không phủ nhận con người cũ mang nhiều tội lụy, không thể nhận lấy thực tại mới mẻ trong ơn giải thoát. Nói khác đi, Mùa Chay cũng là mùa đổi đời, làm xuân tươi tâm hồn và giúp canh tân đời sống.

Canh tân theo tiếng gọi Mùa Chay là canh tân toàn bộ con người và toàn diện đời sống mình, từ nội tâm cho tới hành động, từ nếp nghĩ cho tới cách cư xử, từ cách thể hiện niềm tin tôn giáo cho tới lãnh vực hòa nhập xã hội, sao cho phù hợp với sức sống mới của Mùa Phục Sinh. Rượu mới bầu da mới. Cũng thế, sự sống mới của Chúa Kitô đem đến phải được thoát tỏa ra bằng một cách sống mới.

Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi người chúng ta hãy tùy theo vị thế của mình giữa bậc sống và tùy theo vị trí của mình trên đường theo Chúa mà chọn ra bước canh tân phù hợp. Canh tân đời sống là cả một tiến trình đòi hỏi từng ngày phải nỗ lực hợp tác với ơn Chúa mà bền bỉ hoàn thiện. Nhưng để có thể canh tân đúng nghĩa của Mùa Chay, tức là trút bỏ con người cũ của sự chết để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô phục sinh, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc uốn nắn trái tim và tìm đến bí tích xá giải mà nhận lấy lòng thương xót của Chúa. Bí tích xá giải chính là phương dược làm xuân trẻ cuộc đời tín hữu một cách chắc chắn nhất.

3. Mùa Chay là mùa chia sẻ

Đổi mới chính mình, rất tự nhiên chúng ta sẽ có cái nhìn khác về thế giới chung quanh, tích cực hơn và cũng ý nghĩa hơn. Không ai nên thánh một mình mà thường là cùng với cộng đoàn của mình. Mầu nhiệm các thánh cùng thông công hàm nghĩa như vậy. Vì thế, trong khi nỗ lực phấn đấu nên thánh bằng việc canh tân theo hướng đi của Mùa Chay, mỗi người cũng nhận được tiếng gọi đến với tha nhân, không chỉ để cảm thông mà còn để chia sẻ, từ phận số quá khứ tới nhu cầu hiện tại và vận mạng tương lai.

Việc chia sẻ mà ai cũng làm được, dù hôm nay mình thuộc giới nào tuổi nào và bậc sống nào, là nâng đỡ tha nhân bằng hy sinh và cầu nguyện. Thánh nữ Têrêsa trong Dòng Kín đã thực hành việc chia sẻ này một cách cụ thể như dâng hy sinh cầu cho một nhà truyền giáo tại Việt Nam, hay như dâng lời kinh cầu cho một kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Việc chia sẻ khác là giúp đỡ người nghèo qua cơn túng quẫn. Chay tịnh Mùa Chay không đơn thuần là nhịn ăn bớt uống cho linh hồn thon thả phù hợp với khung cửa hẹp của Nước Trời, mà đúng ra là để thực tập chế ngự bản thân và thực hành bác ái bằng cách lấy chính phần chi dụng của mình mà giúp cho người khác. Và việc chia sẻ khả thi nữa là biết quan tâm bênh đỡ người yếu thế cô thân trong những sinh hoạt thế trần. Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng công bình và lẽ phải, bằng phẩm giá và tình thương.

“Dù gây chín cuộc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người” (ca dao). Làm phúc ở đây là chia sẻ, tức là nâng đỡ, giúp đỡ và bênh đỡ người cần đến mình.

Anh chị em thân mến,

Cầu nguyện, canh tân, chia sẻ: đó là ba sinh hoạt mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện trong Mùa Chay năm nay, cũng là ba chiều kích với Chúa, với mình, với tha nhân dệt nên nhịp sống Giáo Hội trong “lúc thuận tiện và mùa cứu độ” này. Nhưng để có được ý lực bền bỉ trong suốt chiều dài 40 ngày, theo tinh thần sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, nhấn mạnh đến bí tích Rửa Tội với chủ đề “cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, sẽ cùng được sống lại với Người” (Col 2,12), chúng ta cần bước đầu là làm sao gặp được Đức Kitô để kiên trì sống dưới mái trường của Người, và bước tiếp theo là tổ chức đời sống mình rập khuôn theo đời sống của Đấng Cứu Thế, để ngày từng ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Người rõ nét hơn mà tiến tới Lễ Phục Sinh trong niềm hoan lạc tràn đầy. Trong khi đợi chờ Lễ Phục Sinh đang đến, nguyện chúc anh chị em một Mùa Chay thánh đức.

Giuse Vũ Duy Thống

Gm. Gp. Phan Thiết

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Nguyên văn Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

VietCatholic News (25 Feb 2011 09:39)

VATICAN. Trong Sứ điệp nhân dịp Mùa Chay 2001, bắt đầu từ Thứ tư Lễ tro 9-3 sắp tới, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu tái khám phá và sống trọn ý nghĩa bí tích Rửa tội, dựa theo hành trình phụng vụ Mùa Chay, và vượt thắng lòng ích kỷ.

Sứ điệp của ĐTC có chủ đề ”Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người” (Xc Cl 2,12), và đã được ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), và các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo sáng hôm ngày 22-2-2011, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Dưới đây là nguyên văn Sứ Điệp của ĐTC.

”Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người” (Xc Cl 2,12).

Anh chị em thân mến,

Đối với Giáo Hội, Mùa Chay, - dẫn chúng ta đến việc cử hành Lễ Phục Sinh, - là một mùa phụng vụ rất quí báu và quan trọng, vì thế nhân mùa này, tôi vui mừng gửi Sứ Điệp để Mùa Chay này được sống với tất cả lòng nhiệt thành cần thiết. Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ chung kết với vị Hôn Phu của mình trong Lễ Vượt Qua vĩnh cửu, Cộng đồng Giáo Hội chuyên cần cầu nguyện và thực hành bác ái, tăng cường hành trình thanh tẩy tinh thần, để kín múc sự sống mới trong Chúa Kitô một cách dồi dào hơn nơi Mầu Nhiệm cứu chuộc (Xc Kinh tiền tụng I Mùa Chay).

1. Chính sự sống mới ấy đã được thông truyền cho chúng ta trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa, khi ”được tham dự vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô”, chúng ta bắt đầu một ”cuộc phiêu lưu vui tươi và đầy phấn khởi của người môn đệ” (Bài giảng lễ Chúa chịu Phép Rửa 10-1-2010). Thánh Phaolô, qua các thư của ngài, nhiều lần nhấn mạnh về sự hiệp thông đặc biệt với Con Thiên Chúa, được thực hiện trong sự thanh tẩy ấy. Sự kiện phần lớn chúng ta chịu Phép Rửa tội khi còn nhỏ, cho chúng ta thấy rõ đây là một hồng ân của Thiên Chúa: tự sức riêng của mình, không ai đáng được sự sống đời đời. Lòng từ bi Chúa xóa bỏ tội lỗi và cho chúng ta được sống ”những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Ph 2,5) trong cuộc sống của chúng ta, lòng từ bi ấy được thông ban cho con người một cách nhưng không.

Thánh Tông Đồ dân ngoại, trong thư gửi Tín Hữu Philiphê, nêu rõ ý nghĩa sự biến đổi được thực hiện nhờ tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, và cho thấy rõ mục tiêu cần theo đuổi, đó là để ”tôi có thể biết Ngài, với quyền năng sự sống lại của Ngài, sự hiệp thông với những đau khổ của Ngài, trở nên đồng hình dạng với cái chết của Ngài, với hy vọng được sống lại từ cõi chết” (Ph 3,10-11). Vì thế, Bí tích Rửa Tội không phải là một nghi thức quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ảnh hưởng trên toàn thể cuộc sống của người chịu Phép Rửa, mang lại cho họ sự sống thần linh và kêu gọi họ chân thành hoán cải, một cuộc hoán cải được ân thánh khởi sự và nâng đỡ, đưa họ đạt tới tầm mức trưởng thành của Chúa Kitô. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa Bí tích Rửa Tội và Mùa Chay như một thời điểm thuận tiện để cảm nghiệm ơn thánh cứu độ. Các Nghị Phụ Công đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở tất cả các vị Mục Tử của Giáo Hội hãy sử dụng ”nhiều hơn các yếu tố Phép Rửa thuộc phụng vụ Mùa Chay” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 109). Thực vậy, từ đầu Giáo Hội vẫn luôn liên kết Lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành Phép Rửa Tội: trong Bí Tích này có thể hiện mầu nhiệm cao cả qua đó con người chết cho tội lỗi, được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận cùng Thánh Linh của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết (Xc Rm 8,11). Hồng ân nhưng không này phải luôn được khơi dậy nơi mỗi người chúng ta và Mùa Chay mang lại cho chúng ta một hành trình tương tự như thời gian dự tòng. Đối với các tín hữu của Giáo Hội thời xưa cũng như các dự tòng ngày nay, hành trình này là một trường học tối quan trọng về đức tin và đời sống Kitô; quả thực họ sống Bí tích Rửa Tội như một hành động quyết định đối với toàn thể cuộc sống của họ.

2. Để nghiêm túc bắt đầu hành trình tiến về Lễ Phục Sinh và chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa - là lễ vui mừng và trọng đại nhất trong toàn năm phụng vụ - thử hỏi có gì thích hợp hơn là để cho Lời Chúa dẫn dắt? Vì thế, qua những bài Phúc Âm các chúa nhật Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt nồng nhiệt với Chúa, bằng cách đưa chúng ta tiến qua các giai đoạn trong hành trình khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, hành trình ấy nhắm đến việc lãnh nhận bí tích tái sinh, và đối với những người đã chịu phép Rửa, là để họ đạt tới những bước tiến mới có tính chất quyết định trong hành trình theo Chúa Kitô và hiến thân trọn vẹn hơn”.

- Chúa nhật thứ I trong hành trình Mùa Chay làm nổi bật thân phận phàm nhân chúng ta trên trái đất này. Cuộc chiến đấu hiển thắng chống lại những cám dỗ, khơi mào sứ vụ của Chúa Giêsu, là một lời mời gọi hãy ý thức sự mong manh dòn mỏng của mình để đón nhận Ơn Thánh giải thoát khỏi tội lỗi và đổ tràn sức mạnh mới trong Chúa Kitô, là đường, là sự thật và là sự sống (Xc Sách Khai Tâm Kitô giáo cho người lớn, số 25). Đó là lời nhắc nhở quyết liệt rằng, theo gương Chúa Giêsu và trong sự hiệp nhất với Ngài, đức tin Kitô giáo cũng bao hàm một cuộc chiến đấu ”chống lại những kẻ thống trị trần thế đen tối này” (Ep 6,12), trong đó ma quỷ đang hoạt động không mệt mỏi, kể cả ngày nay, trong việc cám dỗ người muốn đến gần Chúa: Chúa Kitô đã chiến thắng cám dỗ để mang lại hy vọng cho tâm hồn chúng ta và hướng dẫn chúng ta chiến thắng những quyến rũ của sự ác.

- Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người. Cộng đoàn Kitô ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17,1) như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận, trong Chúa Kitô, trong tư cách là con cái trong Chúa Con, món quà Ân Sủng của Chúa Kitô: ”Này là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Hãy nghe lời Người” (câu 5). Đó là một lời mời gọi hãy tránh xa sự ồn ào của cuộc sống thường nhật để ngụp lặn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài muốn thông truyền cho chúng ta hằng ngày một Lời thấu vào tận thẳm sâu tinh thần chúng ta, trong đó ta phân biệt thiện và ác (Xc Dt 4,12) và củng cố ý chí theo Chúa.

- Câu Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria: ”Xin cho tôi uống nước” (Ga 4,7), được đề nghị trong phụng vụ Chúa nhật thứ ba (Mùa Chay), diễn tả lòng hăng say của Thiên Chúa đối với mỗi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn hồng ân ”nước vọt lên cho sự sống đời đời” (câu 14): đó là hồng ân Chúa Thánh Linh, Đấng biến các tín hữu Kitô thành ”những người tôn thờ chân thực” có khả năng cầu khẩn Chúa Cha ”trong tinh thần và chân lý” (câu 23). Chỉ nước ấy mới có thể thỏa mãn ước muốn của chúng ta mong được chân, thiện, mỹ! Chỉ nước ấy, do Chúa Con ban cho chúng ta, mới tưới gội được những sa mạc của tâm hồn bất an và không được mãn nguyện, ”cho đến khi được an nghỉ trong Thiên Chúa”, theo câu nói thời danh của thánh Augustino.

- Chúa nhật người mù bẩm sinh trình bày Chúa Kitô như ánh sáng thế gian. Phúc âm gọi hỏi mỗi người chúng ta: ”Phần anh, anh có tin nơi Con Người không?”, ”Lạy Chúa, con tin!” (Ga 9,35.38), người mù bẩm sinh vui mừng quả quyết như thế, anh nói nhân danh mọi tín hữu. Phép lạ chữa lành người mù là dấu hiệu chứng tỏ rằng, cùng với thị giác, Chúa Kitô cũng muốn mở cái nhìn nội tâm chúng ta, để đức tin của chúng ta ngày càng sâu xa hơn và chúng ta có thể nhận thấy nơi Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúa soi sáng mọi tối tăm trong cuộc sống và làm cho con người sống ”như người con của ánh sáng”.

- Trong chúa nhật thứ V, khi nghe đọc trình thuật về sự sống lại của Ông Lazzaro, chúng ta được đặt trước mầu nhiệm cuối cùng của cuộc sống chúng ta: ”Thầy là sự sống lại và là sự sống.. con có tin điều này không?” (Ga 11,25-26). Đối với cộng đoàn Kitô, đây là lúc cùng với Marta, chân thành tái đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giêsu thành Nazareth: ”Vâng, lạy Chúa, con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (câu 27). Sự hiệp thông với Chúa Kitô trong cuộc sống này chuẩn bị chúng ta vượt lên trên ranh giới của sự chết, để sống vô tận trong Chúa. Niềm tin nơi sự sống lại của người đã qua đời và niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu mở rộng tâm trí chúng ta về ý nghĩa tối hậu của đời mình: Thiên Chúa đã tạo dựng con người để họ được sự sống lại và sự sống, và chân lý này mang lại chiều kích chân thực và chung kết cho lịch sử loài người, cho cuộc sống bản thân và xã hội của họ, cho nền văn hóa, chính trị và kinh tế. Nếu thiếu ánh sáng đức tin, thì toàn thể vũ trụ rốt cục bị khép kín trong một ngôi mộ không có tương lai, cũng chẳng có hy vọng.

- Hành trình Mùa Chay được kết thúc với Tam Nhật Vượt Qua, đặc biệt là trong đêm trọng thể Vọng Phục Sinh: khi lập lại những lời hứa trong Phép Rửa Tội, chúng ta tái khẳng định rằng Đức Kitô là Chúa tể đời sống chúng ta, đời sống mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta khi chúng ta được ”tái sinh bởi nước và Thánh Linh”, và chúng ta tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh để làm môn đệ của Chúa.

3. ”Sự dìm mình của chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của mình khỏi gánh nặng của những sự vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với trần thế này, liên hệ ấy làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và ngăn cản không để chúng ta sẵn sàng và cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa tự biểu lộ như Tình Thương (Xc 1 Ga 4,7-10). Thập giá của Đức Kitô, ”ngôn ngữ của Thập Giá” biểu lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (Xc 1 Cr 1,18), Đấng hiến thân để nâng cao con người và mang lại cho họ ơn cứu độ: đó là hình thức quyết liệt nhất của tình thương (Xc Thông điệp Thiên Chúa là Tình Thương, 12). Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn. Chay tịnh, có thể có những động lực khác nhau, đối với Kitô hữu, việc làm này có một ý nghĩa sâu xa về tôn giáo: khi làm cho bàn ăn của chúng ta nghèo hơn, chúng ta học cách vượt thắng ích kỷ để sống theo tiêu chuẩn ban tặng và yêu thương; khi chịu đựng sự thiếu thốn một cái gì đó, - không phải chỉ những gì là dư thừa mà thôi - chúng ta học cách xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đối với Kitô hữu, chay tịnh không hề có chiều kích duy nội tâm nào cả, nhưng cởi mở hơn đối với Thiên Chúa và những nhu cầu của con người, và biến tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành tình yêu đối với tha nhân (Xc Mc 12,31).

Trong cuộc hành trình, chúng ta cũng đứng trước cám dỗ sở hữu, ham hố tiền bạc, làm thương tổn quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Sự ham hố của cải tạo nên bạo lực, lạm quyền và chết chóc; chính vì thế, Giáo Hội, đặc biệt là trong Mùa Chay, kêu gọi làm phúc bố thí, nghĩa là chia sẻ. Trái lại sự tôn thờ của cải không những làm cho ta xa lìa tha nhân, nhưng còn làm cho con người trở nên trống rỗng, bất hạnh, bị lừa đảo, bị ảo tưởng mà không thực hiện được điều của cải hứa hẹn, vì con người đặt những sự vật chất vào chỗ của Thiên Chúa là nguồn mạch duy nhất của cuộc sống. Làm sao hiểu được lòng nhân từ hiền phụ của Thiên Chúa nếu tâm hồn đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, qua đó ta tưởng rằng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình? Cám dỗ hệ tại nghĩ như người giàu có trong dụ ngôn: ”Hồn tôi hỡi, ngươi có nhiều của cải để dùng trong nhiều năm...”. Chúng ta biết phán đoán của Chúa: ”Hỡi kẻ điên rồ, chính đêm nay mạng sống của ngươi sẽ bị đòi lại..” (Lc 12,19-20). Việc làm phúc là một lời nhắc nhở về quyền tối thượng của Thiên Chúa và sự quan tâm đối với tha nhân, để tái khám phá người Cha nhân lành của chúng ta và đón nhận lòng từ bi của Chúa.

Trong trọn Mùa Chay, Giáo Hội trao tặng chúng ta Lời Chúa một cách đặc biệt dồi dào. Khi suy niệm và nhập tâm để sống Lời Chúa hằng ngày, chúng ta học một hình thức quí giá và không thể thay thế được trong việc cầu nguyện, vì sự lắng nghe Lời Chúa, Đấng tiếp tục nói với tâm hồn chúng ta, nuôi dưỡng hành trình đức tin mà chúng ta đã bắt đầu trong ngày chịu Phép Rửa Tội. Kinh nguyện cũng giúp chúng ta có được một ý niệm mới về thời gian: thực vậy, nếu không có viễn tượng vĩnh cửu và siêu việt, thì thời gian chỉ là nhịp độ làm cho những bước tiến của chúng ta nối tiếp nhau hướng về một chân trời không có tương lai. Trái lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời giờ cho Thiên Chúa, để nhận thấy rằng ”những lời của Ngài không qua đi” (Xc Mc 13,31, để bước vào trong sự hiệp thông thân mật với Ngài ”Đấng không ai có thể tước khỏi chúng ta” (Xc 16,22) và mở cho chúng ta niềm hy vọng không đánh lừa, và sự sống đời đời.

Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là ”trở nên đồng hình với cái chết của Chúa Kitô” (Ph 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phaolô trên đường Damasco; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Kitô.

Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Đấng Cứu Chuộc chúng ta và qua chay tịnh, làm phúc, cầu nguyện, hành trình hoán cải tiến về Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta đến chỗ tái khám phá Phép Rửa chúng ta đã nhận lãnh. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy tái đón nhận Ơn Thánh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lúc này, để Ơn Thánh soi sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Chúng ta được mời gọi mỗi ngày sống ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội và những gì Bí tích này thực hiện, khi bước theo Chúa Kitô với lòng quảng đại và chân thành hơn. Trong hành trình này, chúng ta hãy phó thác bản thân cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh Ngôi Lời Thiên Chúa trong đức tin và trong xác thể, để giống như Mẹ, chúng ta được dìm mình trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ, và được sống đời đời.

Vatican ngày 4 tháng 11 năm 2010
LM Trần Đức Anh OP chuyển ý

+ĐGH Biển Đức XVI