Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013



Video: Giáo lý cộng đoàn hàng tuần trong Năm Đức Tin - Bài 15 - Chúa nhật IV Mùa Chay - Năm C


EmailIn
year-of-faith-logo-VIETNAM-01_copyWTGPHN - Để đáp lại lời mời gọi học giáo lý trong Năm Đức Tin của Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: "Trong Năm Đức Tin, bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng ngày 2/12/2012 cho đến Chúa Nhật Chúa Kitô Vua ngày 24/11/2013, tại tất cả các nhà thờ trong TGP Hà Nội, trước mỗi Thánh lễ Chúa Nhật hay trước khi ban phép lành cuối lễ, các cha sẽ đọc phần "Cùng nhau học giáo lý" của mỗi Chúa Nhật được in trong Lịch Công Giáo và sau đó giải thích phần giáo lý đó một cách ngắn gọn và rõ ràng cho cả cộng đoàn", quý thầy các lớp Triết I và II của Đại Chủng Viện Hà Nội đã chuẩn bị những đoạn phim ngắn để trình bày nội dung giáo lý cần phải học hàng tuần tại các giáo xứ và giáo họ, giúp cho việc chuyển tải nội dung giáo lý một cách sống động hơn qua những hình ảnh và đáp ứng về thời gian cho mỗi buổi học giáo lý.
Ban biên tập Trang tin của TGP Hà Nội xin giới thiệu với cộng đoàn công trình này của quý thầy để nói lên tinh thần nhiệt thành sống Năm Đức Tin của gia đình Đại Chủng Viện và sự đóng góp nhỏ bé của quý thầy vào chương trình huấn giáo của Giáo Hội nói chung và của Tổng Giáo Phận Hà Nội nói riêng trong Năm Đức Tin 2012 -2013.
Dưới đây là bài học 15 với tựa đề: "Kinh Tin Kính", trình bày nội dung hai câu hỏi số 36 và 37 trong Sách toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, phát hành năm 2011, được in trong Lịch công giáo của TGP Hà Nội.

Câu 36: Tại sao bản tuyên xưng đức tin được khởi đầu bằng "Tôi tin kính Ðức Chúa Trời"?
Thưa: Bởi vì xác quyết "Tôi tin kính Ðức Chúa Trời" là điều quan trọng nhất. Xác quyết này là nguồn gốc của mọi chân lý khác về con người, về vũ trụ và về toàn bộ đời sống của những ai tin Thiên Chúa.
Câu 37: Tại sao chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất?
Thưa: Bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel biết rằng Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất, khi Ngài nói: "Nghe đây, hỡi Israel, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất" (Ðnl 6,4). "Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác" (Is 45,22). Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận điều này: Thiên Chúa là "Ðức Chúa duy nhất" (Mc 12,29). Tuyên xưng Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðức Chúa, không hề đưa đến sự chia cắt nào nơi Thiên Chúa duy nhất.



VIDEO: CƠ MẬT VIỆN BẦU TÂN GIÁO HOÀNG - TƯỜNG TRÌNH TỪ VATICAN NGÀY 5/3/2013

cập nhật: (06/03/2013, 07:17 am)    Lượt xem: 91


Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trước khi đề cập đến những diễn biến trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng trong ngày hôm nay thứ Ba mùng 5 tháng Ba, Lan Vy xin phép được tóm tắt những điểm chính diễn ra trong ngày hôm qua.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong ngày hôm qua, 4 tháng Ba, đã có 2 cuộc họp diễn ra lúc 9h30 sáng và 5giờ chiều tại Hội Trường Mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục 

Phiên họp buổi sáng kéo dài 3 tiếng đồng hồ và được đặt dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y niên trưởng Angelo Sodano, 85 tuổi, trước sự hiện diện của 142 Hồng Y, trên tổng số 207, trong số này có 103 Hồng y cử tri. 12 Hồng Y khác đang trên đường đến Roma, trong đó có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sàigòn và Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng.

Sau lời chào mừng của Đức Hồng Y niên trưởng các Hồng Y đã đọc chung công thức tuyên thệ theo như Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh) đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 Tháng Hai năm 1996. Sau đó, từng vị tiến đến trước bàn chủ tọa đặt tay trên Sách Phúc Âm, thề tuân giữ qui luật số 12 về việc giữ bí mật tuyệt đối.

Đức Hồng Y niên trưởng đã đề nghị và được các Hồng Y chấp nhận đó là soạn một sứ điệp gửi Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16.

Trong cuộc họp sáng thứ Hai đã có 13 Hồng Y lên tiếng phát biểu.

Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, cha Lombardi phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết, bầu không khí của cuộc họp diễn ra trong thanh thản, phản ánh nhu cầu phân định mà các Hồng Y muốn có.

Ban chiều vào lúc 5 giờ, các Hồng Y đã nhóm phiên khoáng đại thứ hai. Có thêm 4 vị Hồng Y cử tri có mặt và đã tuyên thệ trước khi cuộc họp bắt đầu. Các vị này là Đức Thượng Phụ Bechara Rai của Li Băng, Đức Hồng Y Woelki của Berlin, Đức Hồng Y Meissner của Koeln và Đức Hồng Y Sarr của tổng giáo phận Dakar của Senegal.

Các ngài đã nghe bài suy niệm đầu tiên trong 2 bài về sứ mạng và tình hình Giáo Hội do cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đảm trách. Bài thứ hai sẽ được trình bày vào ngày khai mạc Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Như vậy, vẫn còn 8 Hồng Y cử tri chưa đến được Vatican.

Vì các Hồng Y chưa đến đủ nên theo Cha Lombardi cho biết chưa có quyết định nào của các Hồng Y về ngày bắt bầu mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Tính đến sáng ngày 4 tháng 3, đã có 4,300 ký giả đăng ký với phòng báo chí Tòa Thánh để theo dõi tiến trình bầu Giáo Hoàng.

Đa số các vị Hồng Y có khuynh hướng tránh không muốn tiếp xúc với giới báo chí vì e ngại vi phạm lời thề giữ bí mật. Tuy nhiên, các Hồng Y Hoa Kỳ đã chủ động mở một cuộc họp báo để thảo luận về các vấn đề chung của Giáo Hội. Theo ý kiến riêng của Lan Vy thì điều này rất hay vì các ký giả đến đây để săn tin họ sẵn sàng loan những sứ điệp các vị Hồng Y muốn gởi đến thế giới. Đồng thời họ lại rất ái mộ các Hồng Y Hoa Kỳ.

Tin duy nhất có liên quan chút xíu đến Cơ Mật Viện do Đức Hồng Y Francis George của tổng giáo phận Chicago đưa ra như sau:

"Điều bên ngoài gây bận tâm nhất cho chúng tôi hiện nay là Tuần Thánh. Chúng tôi muốn thực hiện mọi việc trước khi Tuần Thánh bắt đầu. Có một vị Giáo Hoàng, do đó chúng tôi có thể trở lại giáo phận của chúng tôi. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đang suy nghĩ về điều đó."

Phòng báo chí Tòa Thánh cũng có sáng kiến là trình bày cho các ký giả một vài nét về Tông Hiến Universi Dominici Gregis và vai trò của Đức Hồng Y Nhiếp Chính.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hiện nay tại Rôma, những “totopapa”, tức là những người cá cược xem ai sẽ là Giáo Hoàng đang chú ý đặc biệt đến một vị Hồng Y người Ý. Báo chí Ý cho rằng sau hai triều Giáo Hoàng không phải là người Ý, có lẽ lần này vị Giáo Hoàng tương lai sẽ là người Ý. Nhận định này không phải là không có cơ sở. Thật vậy, trong 115 vị tham dự vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng có 28 vị Hồng Y người Ý trong tổng số 60 vị Hồng Y tại Âu Châu.

Vị Hồng Y được nhắc đến nhiều nhất là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco năm nay 70 được thụ phong linh mục lúc 23 tuổi. Tương tự như Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, cuộc sống của ngài đã luôn luôn gắn liền với giáo dục. Ngài đã từng dạy Thần Học tại một trường đại học.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco hiện nay là Tổng Giám Mục Genova. 

Ngài nói: 

"Vấn đề khẩn cấp nhất trong Giáo Hội ngày hôm nay là vấn nạn về đức tin, không phải nơi những người không có đức tin, nhưng chính là giữa các tín hữu. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 biết rằng chỉ có một đức tin vui tươi, mạch lạc và thuyết phục, mới có thể làm rung động con tim, thanh tẩy văn hóa và truyền cảm hứng cho xã hội hướng đến một chủ nghĩa nhân bản siêu việt và hoàn chỉnh".

Trong năm 2007, ngài được bổ nhiệm tổng giám mục Genova, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý và được tấn phong hồng y.

Đức Hồng Y nổi tiếng với khả năng đối phó với các mối quan hệ tinh tế giữa Giáo hội Công giáo và giới chính trị Ý.


Thứ Tư sau Chúa Nhật III Mùa Chay

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1. 5-9
"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môi-sen nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: "Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt". Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Xh 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

Phúc Âm: Mt 5, 17-19
"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu chính là Ðấng Kitô phải đến mà Israel đang mong chờ. Ngài đến để hoàn tất mọi lời Thiên Chúa hứa và để kiện toàn lề luật. Ngài đến đưa lề luật tới ý nghĩa trọn hảo. Kiểu nói: "một chấm, một phết trong luật cũng không thể qua đi" diễn tả tầm quan trọng của luật: đó là ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng lề luật để giáo dục con người thì không có luật gì là nhỏ bé tầm thường. Vì vậy chúng ta chỉ đạt được sự sống đời đời khi trung thành tuân giữ luật Chúa, lời Chúa. Chúng ta giữ luật không vì sợ tội, nhưng vì tình yêu. Trong tình yêu, càng cần tế nhị từ những điều nhỏ mọn.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương ban lề luật cho chúng con. Rất nhiều khi chúng con tuân giữ một cách máy móc, giữ theo hình thức vì sợ tội chứ chưa vì yêu mến.
Xin giúp chúng con thay đổi cách sống, chu toàn giới răn Chúa trong tình yêu. Ðể nhờ lề luật, chúng con được đến với Chúa trong bình an và vững mạnh. Amen.