Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Khói đen bay lên từ Vatican lần thứ hai


Hôm nay, làn khói đen một lần nữa bay lên từ ống khói ở Tòa thánh Vatican, báo hiệu Mật nghị Hồng y vẫn chưa bầu ra được Giáo hoàng mới.

Khói đen ở Vatican- chưa bầu được Giáo hoàng mới

Khói đen bay lên từ ống khói nhà nguyện Sistine lần thứ hai. Ảnh: AFP
AFP đưa tin khói đen bay lên từ ống khói bằng đồng cũ kỹ trên mái nhà nguyện Sistine lúc 10h40 GMT (17h40 Hà Nội) sau khi 115 Hồng y trải qua hai lần bỏ phiếu vào sáng nay.
Trước đó, các Hồng y cũng đã bỏ phiếu lần đầu vào tối qua nhưng không thu được kết quả.
Qua đêm tại một nhà nghỉ gần đó, các Hồng y bắt đầu ngày hôm nay bằng việc tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện Pauline ở Tông tòa của Vatican, sau đó quay trở lại nhà nguyện Sistine để tổ chức hai lần bỏ phiếu mới vào sáng nay.
Do kết quả bỏ phiếu vẫn bất phân thắng bại, hai vòng bỏ phiếu nữa sẽ tiếp tục được tổ chức vào chiều nay theo giờ Vatican.
Nếu vẫn không thể tìm ra tân Giáo hoàng trong hôm nay, Mật nghị Hồng y sẽ kéo dài cho đến ngày 16/3 tới. Khi đó, các Hồng y sẽ nghỉ ngơi một ngày để cầu nguyện và suy nghĩ.
Với nhiều ứng viên tiềm năng, nhiều chuyên gia cho rằng các Hồng y khó có thể tìm ra được người dẫn dắt 1,2 tỷ tín đồ Công giáo mới thay thế cựu Giáo hoàng Benedict XVI vừa từ nhiệm. Họ dự đoán khói trắng báo hiệu đã tìm ra tân Giáo hoàng sẽ bay lên vào ngày mai.
Anh Ngọc

Sau phiên bầu thứ 1: khói đen bốc lên báo hiệu chưa có tân Giáo hoàng



Lúc 7:40 giờ Rôma hôm thứ Ba 12 tháng Ba, khói đen đã bốc ra từ ống khói của nhà nguyện Sistina báo hiệu các Hồng Y cử tri chưa chọn được người kế vị Thánh Phêrô, chúng ta chưa có Giáo Hoàng.

Hàng trăm người đã đứng trên quảng trường Thánh Phêrô với dù che và áo ấm để hy vọng là người đầu tiên chứng kiến biến cố lịch sử Giáo Hội có vị Giáo Hoàng thứ 266.

Sau thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Ba 12/3, lúc 15.45 chiều thứ Ba các Hồng Y đã rời nhà trọ thánh Mátta để tới dinh Tông Tòa. Lúc 16.30 các vị đã đi rước từ nhà nguyện Paolina đến nhà nguyện Sistina bắt đầu vòng bỏ phiếu thứ nhất.

Từ ngày mai thứ Tư 13/3 cho đến khi bầu được Giáo Hoàng, mỗi ngày sẽ có 4 lần bỏ phiếu và chúng ta có thể biết kết quả vào 4 thời điểm sau:

Tại Rôma: Vòng thứ nhất: từ 10h30 đến 11h sáng; vòng thứ hai lúc giữa trưa; vòng thứ ba từ 17h30 đến 18h; và vòng thứ Tư lúc 19h.

Tại Sàigòn: Vòng thứ nhất: từ 16h30 đến 17h; vòng thứ hai lúc 18h; vòng thứ ba từ 23h30 đến 24h; và vòng thứ Tư lúc 1h sáng.

Tại Perth: Vòng thứ nhất: từ 17h30 đến 18h; vòng thứ hai lúc 19h; vòng thứ ba từ 0h30 đến 1h sáng; và vòng thứ Tư lúc 2h sáng.

Tại Sydney và Melbourne: Vòng thứ nhất: từ 20h30 đến 21h; vòng thứ hai lúc 22h; vòng thứ ba từ 3h30 đến 4h sáng; và vòng thứ Tư lúc 5h sáng.

Tại Los Angeles: Vòng thứ nhất: từ 2h30 đến 3h sáng; vòng thứ hai lúc 4h sáng; vòng thứ ba từ 9h30 đến 10h; và vòng thứ Tư lúc 11h.
Tác giả bài viết: Đặng Tự Do
Nguồn tin: vietcatholic.net

Vatican một ngày trước Mật nghị bầu Giáo hoàng

Mọi sự chú ý của 1,2 tỷ giáo dân và cả những người không theo Công giáo trên khắp thế giới đang đổ dồn về Vatican, nơi Mật nghị bầu Giáo hoàng mới sẽ diễn ra trong hôm nay.
Những ứng viên cho ngôi vị Giáo hoàng
Mật nghị Hồng y đốt nóng mạng xã hội
Khói đen, khói trắng và Giáo hoàng

Hồng y Philippines Luis Antonio Taggle (đầu tiên từ phải qua) cùng hai Hồng y khác tham dự một cuộc họp tại Vatican hôm qua. Các Hồng y đã, đang và sẽ không được liên lạc với thế giới bên ngoài, cho tới khi Mật nghị Hồng y chọn ra được Giáo hoàng mới.
Hồng y Italy Gianfranco Ravasi, một trong những người được cho là có thể trở thành Giáo hoàng mới. Ravasi, 70 tuổi, Bộ trưởng Văn hóa của Vatican, gây ấn tượng với các nhà quan sát như của một học giả uyên bác với quan điểm về thuyết vô tri, hướng tới những người vô thần và cách giao tiếp khéo léo của ông.
Một người đàn ông mang các vật dụng vào buổi họp kín cuối cùng của các Hồng y, trước khi Mật nghị Hồng y bắt đầu.
Các công nhân treo những tấm rèm màu đỏ lên cửa sổ của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nơi mà Giáo hoàng mới sẽ xuất hiện sau Mật nghị Hồng y của 115 Hồng y tới từ các giáo phận và tổng giáo phận trên khắp thế giới.
Các lính gác người Thụy Sĩ tới Vatican hôm qua. Lính gác tại Vatican luôn là người Thụy Sĩ vì họ được cho là trung thành nhất và tính trung lập đối với chính trị của họ.
Khách du lịch đi lại phía trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Khoảng 1,2 tỷ giáo dân cùng hàng tỷ người không theo Công giáo đang tập trung sự chú ý về Vatican, để dõi theo việc bầu chọn người lãnh đạo mới của Tòa thánh.
Một linh mục đọc báo tại quảng trường Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Khi các Hồng y hoàn tất việc lựa chọn Giáo hoàng mới, khói trắng sẽ bay lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine. Ngược lại, nếu khói đen bay lên, mọi người sẽ hiểu rằng việc bầu chọn chưa kết thúc.
Việc bầu chọn Giáo hoàng chỉ diễn ra khi Giáo hoàng đương nhiệm qua đời. Tuy nhiên, việc Giáo hoàng Benedict XVI quyết định từ chức vì lý do sức khỏe khiến việc bầu chọn phải diễn ra sớm hơn dự kiến.
Cảnh sát Italy đứng phía trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Mái vòm nổi tiếng của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong ánh hoàng hôn, một ngày trước khi Mật nghị Hồng y diễn ra.

Thứ Tư sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Bài Ðọc I: Is 49, 8-15
"Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán: "Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với tù nhân rằng: "Các ngươi hãy ra", và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng: "Các ngươi hãy ra ngoài sáng". Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời không làm khổ họ, vì Ðấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường đi, và các lối đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa những kẻ từ hướng bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.
Trời hãy ca ngợi, đất hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.
Nhưng Sion nói: "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi". Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 13cd-14. 17-18
Ðáp: Chúa là Ðấng nhân ái và từ bi (c. 8a).
Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2
Ðây là lúc thuận tiện. Ðây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Ga 5, 17-30
"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài nhấn mạnh: "Ta không thể làm điều gì tự mình Ta... Ta không tìm ý của Ta mà là ý của Ðấng đã sai Ta".
Bản thân chúng ta chỉ là cát bụi, yếu đuối và giới hạn. Chúng ta cũng chỉ đạt được cùng đích của mình khi biết gắn chặt vào Thiên Chúa: Lắng nghe và thực thi ý Chúa. Ý Chúa là gì? Nếu không phải là Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc?

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, cuộc sống đầy khó khăn và cạm bẫy. Chúng con không thể đứng vững được nếu Chúa không ban sức mạnh cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết gắn bó cuộc đời chúng con với Chúa trong từng biến cố lớn nhỏ. Ðể từ đó, chúng con chỉ còn sống cho Chúa và làm vui lòng Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.