Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012


BỨC TRANH VÒM NHÀ NGUYỆN SIXTINE TRÒN 500 TUỔI

BỨC TRANH VÒM NHÀ NGUYỆN SIXTINE TRÒN 500 TUỔI
« ÁNH SÁNG » CỦA NHÀ NGUYỆN SIXTINE
Chính « ánh sáng của Thiên Chúa » chiếu sáng nhà nguyện Sixtine nơi đó « mọi sự sống, mọi sự vang vọng khi tiếp xúc với Lời Chúa », đức Bênêđictô XVI tuyên bố.
(Xem hình ảnh 3D nhà nguyện Sixtine  ở đây và những hình ảnh khác về Vatican ở đây.)
Đức Thánh Cha đã cử hành Kinh Chiều lễ Các Thánh Nam Nữ, chiều 31.10.2012, trong nhà nguyện Sixtine, nhân kỷ niệm 500 năm Đức Giáo Hoàng Jules II khánh thành những bức tranh trên mái vòm của nhà nguyện Sixtine, được Michel-Ange vẽ từ 1508 đến 1512.
Ánh sáng của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha đặc biệt dừng lại trên bức tranh mái vòm, tác phẩm khổng lồ hơn 1000m2 mà danh họa Giorgio Vasari, của thế kỷ XVI, đã tuyên bố rằng nó « đã là ngọn đèn dầu của nghệ thuật, mang lại lợi ích cho nghệ thuật hội họa đến nỗi nó đủ sức chiếu sáng thế giới ».
Đối với đức Bênêđictô XVI, đó không chỉ là « ánh sáng đến từ việc sử dụng khéo léo các sắc màu tương phản phong phú, hay từ chuyển động đánh động kiệt tác này », nhưng từ « ý tưởng » xuyên suốt mái vòm : chung cuộc, « chính ánh sáng của Thiên Chúa chiếu sáng những bức tranh này và toàn thể nhà nguyện ».
Quả thế,  nhà nguyện kể lại lịch sử « ánh sáng, giải thoát, cứu độ », trong đó ánh sáng của Thiên Chúa đến, «  bằng sức mạnh của Ngài, chiến thắng sự hỗn loạn và bóng tối để mang lại sự sống, trong công trình tạo dựng và cứu chuộc ».
Nhà nguyện Sixtine « nói về mối tương quan của Thiên Chúa với nhân loại ». Trên mái vòm « thiên tài » này, nơi đó cái nhìn được dẫn « đến chỗ nguyên lý của mọi sự », hành vi tạo dựng.
Những bức tranh này như muốn nói rằng « thế giới này không phải là một sản phẩm của bóng tối, của ngẫu nhiên, của phi lý », nhưng nó phát sinh « từ một trí khôn ngoan, một sự tự do, một hành vi yêu thương sâu xa ».
Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha đã nhìn thấy trong « cuộc gặp gỡ » nổi tiếng giữa ngón tay của Thiên Chúa và ngón tay của con người, « sự liên lạc giữa trời và đất », dấu chỉ rằng trong Ađam « Thiên Chúa bước vào mối tương quan mới với thụ tạo của mình, con người sống trong tương quan trực tiếp với Ngài, và được Ngài kêu gọi ».
Đẹp hơn trong việc cầu nguyện
Đối với Đức Thánh Cha, nhà nguyện Sixtin « tự nó là một phòng cầu nguyện », tức là một khi được chiêm ngắm trong sự cầu nguyện, nó « còn đẹp hơn, đích thực hơn », « tất cả sự phong phú của nó được tỏ hiện ».
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến bức họa « phán xét cuối cùng », được Michel-Ange vẽ 20 năm sau, trên đó « nền xanh da trời sáng, nhắc nhở chiếc áo của đức Trinh Nữ Maria, mang lại một ánh sáng hy vọng cho toàn bộ cái nhìn, khá bi thảm ».
Đối với Đức Thánh Cha, bức tranh này kết thúc « dụ ngôn con đường của nhân loại », hướng cái nhìn nhân loại đến « sự hoàn tất thực tại này của thế giới và của con người, đến sự gặp gỡ chung cuộc với Chúa Kitô vị Thẩm phán kẻ sống và kẻ chết ».
Trong nhà nguyện này, lời cầu nguyện ca ngợi, nâng  tâm hồn lên với Chúa trong bài ca của sách Khải Huyền : « Amen, Alléluia…Nào ca ngợi Thiên Chúa chúng ta, hỡi tất cả tôi trung của Chúa, hỡi những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Người…Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh » (19, 4a.5.7a).

Không có nhận xét nào: