Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011
Kỹ Năng Nấu Nướng Ở Trại
I. Nấu nướng khi ở trại
Nấu nướng ở trại không dễ như nấu ở nhà. Nắng gió, mưa, củi ẩm, bếp ướt... Đi trại dài ngày mà trong những ngày mưa gió nếu không có một căn bếp đàng hoàng, thì đầu bếp có giỏi cũng đành bó tay.
Trước tiên, căn bếp phải có thứ tự và sạch sẽ. Vật nào chỗ đó; củi khô xếp cạnh bếp. Chén, bát, nồi niêu, soong, chảo... thực phẩm và gia vị, phải có giàn cao và che đậy cẩn thận. Nếu trại ngắn ngày thì chúng ta làm bếp tạm, nhưng nếu dài ngày thì làm bếp đứng cho tiện nghi và thoải mái, như thế chúng ta không quá vất vả khi nấu nướng.
Nấu nướng ở trại, chúng ta phải nhớ: không cần phải bày biện nhiều món, tỉa bông tỉa hoa, xào nấu như tiệc tùng đình đám, nhưng cũng không nên cho trại sinh ăn uống quá kham khổ. Thức ăn phải ngon, bổ, rẻ, giản dị, dễ làm, phù hợp với nguyên vật liệu và gia vị mà chúng ta mang theo, nhất là phải biết đổi món cho ngon miệng và dễ tiêu hóa.
Lưu ý khi nấu cơm:
Trong mười lần ăn cơm trại thì hết chín lần cơm không đạt tiêu chuẩn vì những lý do sau:
+ Ở trại, củi ẩm ướt, gió nhiều nên lửa không đều, lúc nóng lúc không, nên cơm dễ bị sống.
+ Gạo do trại sinh góp, nên không đồng nhất, do đó khó nấu hơn một loại gạo như ở nhà.
+ Trại sinh hay nổi lửa lớn để kịp thời gian ấn định, nên cơm thường khê.
+ Trại sinh hay sốt ruột, mở nồi ra xem và ngoáy nhiều, nên cơm bị đổ lông và nhão.
+ Không quen ước lượng gạo để nấu cho nhiều người ăn, nên thường bị bung nắp nồi.
Trại sinh nào khắc phục được những trở ngại trên, để có thể nấu được những nồi cơm đạt tiêu chuẩn, thì thật xứng đáng là dân đi trại chuyên nghiệp.
Tiểu xảo - Mẹo vặt:
Ngoài những công thức để chế biến thức ăn, chúng ta cũng cần biết một số tiểu xảo, mẹo vặt về nấu nướng, để khắc phục những sự cố nhỏ trong khi làm bếp.
Ghi nhớ:
+ Các món hầm, luộc, canh, súp... có thể nấu trước hay cùng lúc với nồi cơm.
+ Các món chiên, xào... làm sau khi “rế” cơm.
+ Thịt heo thì phải xào nấu thật chín, nhưng thịt bò thì xào tái.
+ Nấu lạt dễ điều chỉnh hơn nấu mặn.
Muốn thịt mau mềm:
- Cho vào nồi thịt hầm một chung rượu trắng, hoặc một cục nước đá.
- Bỏ một ít đu đủ xanh vào nồi thịt.
- Một vài miếng thơm (dứa) cũng làm thịt mau mềm.
- Gói thịt vào lá đu đủ (đã đập dập sống), hơ trên ngọn lửa cho nóng ấm. Sau đó đem ra thái mỏng, rồi xào, nấu.
- Ngâm thịt vào nước ấm có mủ đu đủ độ vài tiếng trước khi xào nấu.
Muốn cá không bị nát: Nhúng cá (đã được làm sạch) vào nước ấm trước khi chiên hoặc kho, thịt cá sẽ dẽ, không nát.
Cá chiên không dính chảo: Cá làm sạch, để vào rá, tẩm sơ một ít bột mì hoặc rắc muối bọt, xóc đều. Cho cá vào chảo mỡ nóng, dùng xạn (hay đũa) xê dịch con cá vài cái rồi để nằm yên, cho tới khi vàng bên này mới trở qua bên kia.
Luộc rau chín mà vẫn xanh: Để nước thật sôi, cho vào tí giấm, chanh hay muối rồi mới nhúng rau vào, không đậy nắp, rau sẽ chín mà vẫn xanh.
Muối chua: Bạn nên học cách muối chua một số rau cải, củ, trái... những thực phẩm này để được lâu, ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa.
Cơm khét: Ra lửa ngay, mở vung bỏ vào nồi cơm vài cục than còn cháy đỏ, đậy vung lại sẽ bớt mùi khét.
Cơm nhão: Mở nắp vung để rẩy mồ hôi đọng trên vung nhiều lần. Khi cơm chín, xúc ra rá để cho bốc hơi, sẽ bớt nhão phần nào.
Cơm sống: Cho vào một ít nước sôi, xới lên, đậy nắp vung thật kín. Gắp than cháy hồng bỏ lên trên nắp vung. Cơm sẽ chín đều.
Công dụng của nước vo gạo:
- Rửa chén đũa không cần xà bông
- Cá khô sẽ bớt tanh và mặn nếu được rửa bằng nước vo gạo
- Rửa cá tươi với nước vo gạo cũng sẽ bớt tanh
- Khoai mì sẽ trắng nếu được ngâm trong nước vo gạo
Cách chùi soong chảo: Trước khi nấu, bôi nhiều lớp xà phòng ở mặt ngoài nồi, soong, chảo... Khi rửa, bạn chỉ cần dùng giẻ ướt chùi sơ qua soong nồi sạch sẽ như mới.
Đồ hộp: Đối với các đồ hộp có thể ăn liền như: Gà càri, gà nấu đậu, thịt bò, thịt heo, hamburger, cá sốt cà chua... Muốn ăn nóng, chúng ta không nên mở hộp đổ vào soong để hâm nấu lại, mà hãy nấu một nồi nước và bỏ các hộp vào (như chưng cách thủy), để sôi khoảng 10-15 phút (bên trong hộp sẽ nóng khoảng 60-70 độC không làm hủy hoại sinh tố có sẵn trong thức ăn). Sau đó mở hộp ra ăn ngay, vừa nóng vừa ngon mà vẫn bổ dưỡng.
II. Bốn cách phòng tránh côn trùng khi đi dã ngoại
Mùa hè là thời điểm thích hợp cho việc vui chơi, dã ngoại cùng nhiều hoạt động ngoài trời khác. Song cùng với đó là nỗi ám ảnh về những dị ứng như ngứa ngáy, sưng phồng, đau nhức... có thể gặp phải do vô tình tiếp xúc với các loại côn trùng. Tuy nhiên, chỉ với các phương pháp đơn giản sau đây, bạn đã có thể vứt bỏ những nỗi ám ảnh đó để tận hưởng một mùa hè tuyệt vời ở bất cứ nơi đâu bạn đến.
1. Chuẩn bị “mặt nạ” cho cơ thể
Hãy nghĩ đến các loại kem bôi, nước hoa... có tác dụng bảo vệ bạn khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với các loại côn trùng. Các hoạt chất này khi được sử dụng sẽ tạo ra một môi trường vô hình cách ly cơ thể khỏi sự nhận biết của các giác quan của côn trùng, thậm chí một số chất có thể gây ra những mùi hương phản cảm với côn trùng. Do vậy, khi đó bạn sẽ trở nên vô hình đối với chúng. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến những phản ứng của cơ thể đối với các loại kem bôi, nước hoa... đó. Nếu cơ thể bạn dị ứng với các chất trong thành phần của chúng thì tốt nhất là không nên sử dụng, tránh cho cơ thể những phiền toái khi tiếp xúc với các hoạt chất đó. Bạn cũng cần quan tâm đến thời gian tác dụng của chúng khi sử dụng, tránh tình trạng cơ thể bị mất tấm màn bảo vệ trong khi bạn vẫn thả mình vào các hoạt động vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, không nên để các loại kem bôi, nước hoa dính vào mắt, mũi, miệng và các vết thương hở trên cơ thể, bởi chúng có thể gây ra đau nhức cũng như các tác dụng phụ không mong muốn. Nói chung, các loại mặt nạ cho cơ thể đều có tác dụng tốt đối với các loài côn trùng nhỏ, tuy nhiên dường như chúng không thật sự có tác dụng đối với các loài ong! Bạn nên xem xét tận dụng việc ngụy trang cơ thể, đặc biệt khi bạn ở gần các khu vực ẩm ướt, cây cối rậm rạp.
2. Trang phục
Không nên sử dụng trang phục quá chật bởi một số loài côn trùng như muỗi sẽ dễ dàng tiếp xúc với làn da của bạn. Màu của trang phục cũng không kém phần quan trọng. Rất nhiều loài côn trùng sẽ nhận biết và tấn công bạn nếu như có sự tương phản lớn giữa màu da và màu trang phục bạn đang mặc. Do vậy, nếu bạn có làn da trắng thì nên sử dụng trang phục sáng màu. Ngược lại, nếu làn da của bạn hơi nâu sậm thì tốt nhất nên sử dụng những trang phục tương đối tối màu. Tuy nhiên, bạn nên quan tâm tới môi trường nơi bạn đến, vì một sự nổi bật trong trang phục của bạn sẽ càng kích thích côn trùng nhiều hơn. Cuối cùng, đôi tất cũng cần được bạn quan tâm. Một số loài côn trùng rất nhạy cảm với mùi từ đôi chân của bạn. Do vậy, bạn nên sử dụng loại tất có thể thấm hút nhanh mồ hôi, khô thoáng để tránh gây mùi kích thích côn trùng.
3. Phương tiện chiếu sáng
Trong những buổi dã ngoại hay bữa tiệc ngoài trời, bạn nên chuẩn bị thêm nến, đèn cũng như những vật dụng chiếu sáng cần thiết khác. Khi màn đêm buông xuống, hình ảnh lung linh của ngọn nến sẽ càng làm không gian thêm lãng mạn. Hơn nữa, với một số loại nến như loại nến được chiết xuất từ dầu sả, không chỉ có tác dụng của một ngọn nến đơn thuần mà nó còn giúp tạo ra mùi hương ngăn cản côn trùng xâm nhập không gian của bạn. Khi sử dụng, bạn không nên đặt các ngọn nến tập trung vào một chỗ mà nên đặt chúng cách nhau khoảng 5m và theo vòng tròn. Như vậy sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
4. Nên chuẩn bị một chiếc quạt
Với một chiếc quạt, bạn không chỉ có thể xua tan cái nóng bức của mùa hè mà còn có thể bảo vệ bạn tránh tiếp xúc với các loại côn trùng có hại. Với kích thước nhỏ bé, chắc chắn côn trùng sẽ không thể nào có đủ sức để tiếp cận với làn da của bạn.
____________________________
Chuẩn bị bếp trại
Trong các cuộc cắm trại, chúng ta đều sử dụng cây khô làm củi và bếp tự tạo để nấu nướng. Tuy nhiên nếu có thể, chúng ta cho trại sinh dùng bếp gaz, hay lò dầu trong trường hợp cần nấu nhanh như trà, cà phê... hoặc cần nước sôi để sát trùng y cụ... nhưng các bữa ăn chính thì phải dùng bếp củi.
Chọn nơi làm bếp: Việc chọn và chuẩn bị nơi làm bếp, chúng ta phải lưu ý một số điểm sau:
- Bếp phải gần nơi lấy củi
- Đất trại thích hợp với loại bếp nào
- Thời gian sử dụng bếp
- Che mưa, nắng, gió
- Phát quang chỗ làm bếp, tránh tàn cây và gốc cây
- Dọn sạch các vật dễ bắt lửa
Lưu ý:
Nếu làm bếp trên đám cỏ tươi, hãy lột lớp cỏ để nơi ẩm mát, xong mới đào đất hay thiết kế bếp. Khi hết sử dụng bếp, ta lấp lại rồi đặt cỏ tươi lên đó, tưới ít nước nó sẽ sống lại. Trường hợp đất quá ẩm ướt, hãy lấy cành cây hay vỏ cây mà lót trước khi đặt bếp lên. Khi làm bếp trên nền xi măng, hãy lót đất, cát trước vì sức nóng có thể làm nứt hư nền xi măng.
Các kiểu bếp tham khảo: Bếp rất đa dạng, mỗi kiểu đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tùy thời tiết, thế đất, dụng cụ, vật liệu... mà thiết kế loại bếp cho thích hợp. Dưới đây là một số kiểu bếp để chúng ta tham khảo.
Bếp gọng sắt: Đây là kiểu bếp gọn nhẹ và tiện lợi nhất, với 3 gọng sắt này, bạn có thể sử dụng trên mọi loại đất, cát, nấu bất cứ loại nồi lớn nhỏ nào cũng được (chỉ cần dùng sắt 6 ly là được).
Bếp mini: Nếu bạn chỉ cần pha trà, cà phê... hoặc bạn đi trại một mình, nấu nướng ít, bạn có thể chế tạo một bếp mini đơn giản bằng các cách sau:
1/ Dùng một lon kim loại có nắp đậy, đục 4 lỗ trên nắp lon, xâu 4 tim đèn vào 4 lỗ đó. Nấu các vụn của đèn cầy hoặc paraffine đổ vào, để nguội, các bạn đã có một bếp mini.
2/ Lấy 4-5 tờ nhật báo cuộn tròn lại, cột từng khúc như bánh tét, rồi cắt từng đoạn ngắn (vừa bỏ vào lon). Nấu paraffine hay đèn cầy đổ vào lon như trên.
Dùng một miếng thiếc cắt theo như hình bên. Khi không dùng thì tháo ra xếp gọn, khi cần thì chồng lên nhau thành kiềng để đặt ca hay lon lên nấu.
Trong khi nấu, các bạn có thể bỏ bếp mini vào trong một lon nước lạnh lớn hơn (để làm nguội).
Nhóm lửa và bảo quản củi:
Ở nhà, chúng ta có củi khô, có đầy đủ chất dẫn lửa, kín gió... thì nhóm một bếp lửa củi chẳng khó khăn gì (nhiều trại sinh không biết nhóm lửa như thế nào vì gia đình xài bếp gas hay bếp điện). Nhưng ở ngoài thiên nhiên thì khác: củi ẩm ướt, mưa gió, chất dẫn lửa tồi... Cho nên để có một bếp lửa thì nước mắt nước mũi ràn rụa.
Mồi lửa: Hãy dùng rơm, lá thông hoặc giấy, vỏ cây, trái gòn, các cây có chất dầu chẻ nhỏ... để làm vật dẫn lửa. Sau khi có chất dẫn lửa rồi, ta dùng những cành khô thật nhỏ (cỡ bằng que diêm). Sắp thành hình tháp hay hình nón, trên đó chúng ta sắp thêm các cành cỡ bằng ngón tay, đoạn nhóm lửa cho cháy đượm lên, ta mới chất củi vào.
Với cách này chúng ta chỉ cần 1-2 que diêm là có thể nhóm được một bếp lửa.
Trường hợp có gió to, ta nên theo hướng gió mà nhóm lửa. Củi ẩm thì để dưới gió. Lưu ý đừng để tàn lửa gây nên hỏa hoạn, nhất là cháy rừng.
Bảo quản củi: Trong những kỳ trại dài ngày, chúng ta phải biết dự trữ và bảo quản củi cho đủ dùng.
- Chọn củi khô và nhỏ
- Che mưa và sương ẩm
- Nếu củi ướt phải phơi khô hay làm giàn hong
- Sắp xếp, phân loại củi lớn nhỏ khác nhau, để riêng từng nhóm cho dễ lấy.
Khử trùng nước:
Nước sông, lạch, ao, hồ... nơi ta cắm trại, chắc chắn là không tinh khiết, nên ta phải biết khử trùng trước khi sử dụng. Sau đây là một vài cách khử trùng nước uống:
- Đun sôi: là phương pháp dễ dàng, rẻ tiền và hiệu quả nhất. Chỉ cần đun sôi nước lã trong 15 phút là dùng được.
- Thuốc tím: cho một ít tinh thể nhỏ của thuốc tím (vài ba hạt) vào nước, khuấy đều cho đến khi nước có màu hồng lợt là uống được.
- Dùng chloramine B: thường dùng khi chống dịch, tỷ lệ thuốc tùy theo tính chất của nước, thường thì người ta dùng 3gr Chloramine B 25% pha trong một lít nước.
- Nước Javel: nhỏ một giọt nước javel 30o vào 2 lít nước, sau 2 giờ là uống được. Nhưng vì có mùi rất khó chịu, ta nhỏ thêm một giọt Hyposulfite de soude 10% để khử mùi.
- Dùng iod: Iod được dùng dưới dạng Teinture D’iode 5% có bán ở các tiệm thuốc tây. Dùng 5 giọt này cho một lít nước, lắc đều. Để yên trong 30 phút là dùng được. Dùng iod vừa sát trùng vừa tránh được bệnh bướu cổ.
Ngoài ra còn một số thuốc khử trùng ít phổ biến hoặc thời gian sử dụng ngắn như Hypoclorite, Halojone nhưng ít khi dùng.
Vệ sinh khu vực bếp:
Đức tính quan trọng của người làm bếp là: gọn gàng và sạch sẽ.
- Gọn gàng để vừa trông đẹp mắt vừa không mất công tìm kiếm dọn dẹp.
- Sạch sẽ là tiêu chuẩn hàng đầu của người làm bếp.
Chúng ta phải giữ nơi làm bếp và chung quanh khu vực bếp thật sạch sẽ. Thức ăn thừa hay thực phẩm chưa dùng tới phải để trên cao hay treo lên và đậy cẩn thận. Xô hay thùng đựng nước uống phải có nắp đậy và được treo lên hoặc để nơi cao ráo, sạch sẽ. Đào hai hố; một hố ở gần nhà bếp để đổ nước dơ, một hố hơi xa bếp để chứa rác. Sau mỗi lần đổ rác, chúng ta rải một lớp đất hay tro mỏng.
Trước khi rời khu vực trại, hãy đốt bỏ những thứ gì có thể đốt được, còn những thứ không đốt được thì chôn thật sâu. Nếu chúng ta có lột lớp cỏ trước khi làm bếp thì phải đặt vào chỗ cũ và tưới nước lên, trả lại nguyên thủy tình trạng khu vực như khi ta vừa đến.
______________________________
Chuẩn bị thực phẩm cho một cuộc trại
Những trại sinh nào nhận trách nhiệm làm bếp, phải hiểu giá trị dinh dưỡng của những thức ăn thông thường và nhớ kỹ hai phương châm: Tiết kiệm và vệ sinh. Trại là cơ hội tốt nhất để các trại sinh thực tập và thể hiện tài năng bếp núc của mình. Đây là một trách nhiệm nặng nhọc, âm thầm nhưng không kém phần lý thú. Chúng ta đừng vội vã khui đồ hộp ra ăn khi thức ăn bị nấu hỏng. Hãy để cho trại sinh tự xoay sở, cho các em phát huy óc tháo vát, lòng tự tin... Đồ hộp chỉ nên dùng trong các kỳ trại dài ngày hoặc trường hợp bất khả kháng, không thể mua được thực phẩm tươi sống. Ở trại, chúng ta nên nấu những món ăn đơn giản nhưng ngon và giàu dinh dưỡng. Không nên làm những món cầu kỳ, tỉa bông, tỉa hoa... xào nấu linh đình.
Tiêu chuẩn người làm bếp: Những người nhận trách nhiệm làm bếp, phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Biết thảo thực đơn cho tổ, đội trong 3 ngày trại
2. Biết đi chợ
3. Biết chọn lựa và bảo quản thực phẩm
4. Chế tạo được các kiểu bếp thông thường
5. Biết nhóm lửa và bảo quản củi
6. Biết khử trùng nước
7. Biết nấu cơm và một số món ăn thông thường ở trại
8. Biết vệ sinh khu vực bếp
Thảo thực đơn:
Trước tiên chúng ta phải nắm rõ: chúng ta có bao nhiêu tiền, cho bao nhiêu người ăn, trong bao nhiêu ngày. Sau đó chúng ta mới dự kiến những thực phẩm cần phải mua. Nếu cắm trại nhiều ngày mà ở xa chợ, hai ba ngày mới có thể đi một lần, người làm bếp phải biết những thức ăn nào để lâu mà không cần chế biến (trứng, lạp xưởng, cá khô, đồ hộp...), những thức ăn có thể để lâu nhưng phải chế biến (tôm rim, mắm chưng, ruốc xào, chà bông...), những thứ nào phải ăn ngay (thịt cá, rau cải...). Dựa vào đó ta thảo một thực đơn cho đội thật dễ dàng. Nếu tài chính rộng rãi, ta có thể mua gà vịt mang theo, vừa để được lâu, vừa có thức ăn tươi ngon, bổ dưỡng.
Đi chợ:
Ít có trại sinh nào “hân hạnh” được mẹ sai đi chợ hàng ngày, mà nắm được giá cả và không lúng túng trong khi đi chợ. Hầu hết chúng ta năm thì mười họa mới đặt chân đến chợ một lần. Cho nên trước khi đi chợ, chúng ta phải nhờ những người đi chợ thường xuyên chỉ cho chúng ta biết rõ giá cả của từng loại thực phẩm, khu vực phân bố trong chợ. Vì nếu không biết rõ loại nào bán ở khu vực nào, thì chúng ta sẽ đi vòng vo, vừa mất thì giờ, vừa mệt... Ghi vào giấy, chúng ta cũng chia thành từng nhóm: Nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm đồ khô hay thực phẩm chế biến sẵn, nhóm rau cải, nhóm gia vị và tạp hóa. Như vậy chúng ta chỉ đi một vòng chợ là có thể mua đầy đủ.
Người làm bếp cũng phải biết ước lượng thực phẩm vừa đủ cho tổ, đội. Không mua quá thừa hoặc quá thiếu, và cũng đừng mua những thực phẩm sang trọng, giá cao (bào ngư, nấm đông cô...).
Chọn lựa và bảo quản thực phẩm:
Khi đi trại dài ngày mà chợ thì ở xa, chúng ta phải biết cách chọn lựa và bảo quản một số thực phẩm trong môi trường tự nhiên để vừa có thức ăn tươi nhiều ngày, vừa bảo đảm vệ sinh sức khỏe... Thông thường, để cho các trại sinh thực tập nấu nướng bằng thực phẩm tươi sống giúp các em phát huy óc sáng kiến, tháo vát, linh động... người ta không cho mang theo đồ hộp hay thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng nếu tổ chức trại dài ngày (ở vùng sâu, vùng xa) đồ hộp dành cho những ngày cuối trại thì thật tiện lợi và hợp vệ sinh.
Chọn lựa thực phẩm:
Trước tiên ta nên biết cách chọn thực phẩm tươi, ngon, thì mới có thể bảo quản lâu được.
- Thịt: Phải có màu đỏ hồng, sớ thịt săn, da mỏng, miếng thịt còn ươn ướt. Nếu ngả sang màu nâu, tím đen hay tái xanh và có mùi thì đừng mua.
- Cá: Vạch mang ra xem, nếu đỏ hồng là cá tươi. Nếu mang trắng bệch, dập đầu, bể bụng, ấn ngón tay thấy lõm xuống thì đừng mua.
- Gà: Chọn gà mái tơ gần đẻ, hậu môn nhỏ, sạch, màu hồng; chân vàng, lườn to. Không nên mua những con hậu môn ướt, bầu diều phồng to, miệng chảy dãi, mồng tím, ít phản ứng khi bắt, đó là gà bệnh.
- Vịt: Chọn những con vịt đực, mỏ to, mềm, ức tròn, da cổ da bụng dày, lông cánh đầy đủ.
- Cua: Lật ngửa cua ra, nhấn vào mép mai ở hai bên hông, cứng là cua chắc, mềm là cua ốp.
- Trứng: Khi mua trứng, đừng cầm lắc lắc, bạn có thể bị rầy. Bạn chỉ cần giơ trứng ra ánh sáng (hay ngọn đèn). Nếu khoảng trống trên đầu không có hay rất nhỏ là trứng tươi, nếu lớn thì trứng đã để lâu. Có thể bỏ vào nước, chìm ngay là tươi, nổi là trứng cũ.
- Đồ hộp: Không nên chọn những hộp móp méo nhất là phồng dộp hai đầu, ăn sẽ bị ngộ độc. Chúng ta cũng cần phải lưu ý đến ngày tháng bảo hành ghi ở vỏ hộp.
Bảo quản thực phẩm:
Khi cần để dành thực phẩm cho những ngày hôm sau. Người đầu bếp phải biết cách giữ gìn và bảo quản. Những thực phẩm để qua đêm phải bỏ vào bao, dùng dây (có bôi thuốc chống muỗi) treo lên cây để khỏi bị kiến và thú rừng làm hỏng (nhất là những vùng đất hoang dã).
Dưới đây là những phương pháp giữ gìn và bảo quản thực phẩm:
Thịt sống:
- Nhúng vào nước phèn chua pha loãng (10gr phèn với 1 lít nước sôi để nguội) ngâm độ 1 giờ, vớt ra xát muối bọt, treo nơi thoáng mát. Khi dùng, rửa sạch lại. Cách này giữ được 3-4 ngày.
- Ngâm trong mật mía, mật ong, có thể để lâu 4-5 tháng mà vẫn tươi ngon.
- Người dân tộc họ giã sơ thịt với muối, đoạn treo nơi thoáng mát, lồng gió, cũng giữ được cả tuần lễ.
Thịt chín: Cắt thịt sống thành từng miếng bằng bàn tay, rồi đem ram hoặc luộc chín. Xong đem ngâm vào nước mắm, nước tương hay nước muối, cách này để lâu được 1 đến 2 tháng.
Thịt khô: Thịt nạt xắt mỏng, dùng dao to bản đập dẹp. Ướp nước mắm (hay muối), đường, nước cốt củ riềng - xong sấy hay phơi khô để dành.
Cá tươi: Phải đập đầu cho nó chết ngay (không để chết từ từ). Mổ bụng cá, lấy hết ruột, rửa sạch, xát muối vào mang cá và đều khắp trong ngoài mình cá. Xong bạn lấy chén giấm pha một muỗng đường. Dùng miếng vải nhúng ướt hợp chất này gói cá lại. Cách này có thể để được 3-4 ngày.
Cá chín: Kho cá cho đến khi thấm mặn. Cho thêm vào một ít rau câu hay thạch đen. Tiếp tục kho thêm một lúc nữa. Trút toàn bộ ra một cái thố sạch, để nguội. Rải một lớp muối lên trên, đậy nắp. Cách này có thể bảo quản được vài tuần.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
KINH BAN SÁNG
- 01. Kinh Truyền Tin
- 02. Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
- 03. Kinh Đức Chúa Thánh Thần
- 04. Kinh Sấp Mình
- 05. Kinh Vì Dấu
- 06. Kinh Sáng Danh
- 07. Kinh Thờ Lạy
- 08. Kinh Đội Ơn
- 09. Kinh Tin
- 10. Kinh Cậy
- 11. Kinh Kính Mến
- 12. Kinh Lạy Cha
- 13. Kinh Kính Mừng
- 14. Kinh Tin Kính
- 15. Kinh Cáo Mình
- 16. Kinh Ăn Năn Tội
- 17. Kinh Phù Hộ
- 18. Kinh Sáng Soi
- 19. Kinh Đức Thánh Thiên Thần
- 20. Kinh Lạy Nữ Vương
- 21. Kinh Hãy Nhớ
- 22. Kinh Lạy Thánh Mẫu
- 23. Kinh Cám Ơn
- 24. Kinh Trông Cậy
KINH CHÚA NHẬT
KINH ĐOÀN THỂ
CÁC KINH KHÁC
TƯ TIỆU
GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
- 01. Bài mở đầu
- 02. Bài 1: Đức Chúa Trời và bản tính loài người
- 03. Bài 2: Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi
- 04. Bài 3: Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng
- 05. Bài 4: Loài người và tội tổ tông
- 06. Bài 5: Ngôi Hai xuống thế làm người
- 07. Bài 6: Ngôi Hai Cứu Chuộc
- 08. Bài 7: Đức Chúa Thánh Thần
- 09. Bài 8: Hội Thánh Chúa Kitô
- 10. Bài 9: Các Thánh Thông Công
- 11. Bài 10: Đức Bà Maria
- 12. Bài 11: Tứ Chung
- 13. Bài 1: Ơn Chúa
- 14. Bài 2: Bí Tích
- 15. Bài 3: Bí Tích Rửa Tội
- 16. Bài 4: Bí Tích Thêm Sức
- 17. Bài 5: Bí Tích Thánh Thể
- 18. Bài 6: Thánh Lễ
- 19. Bài 7: Bí Tích Giải Tội
- 20. Bài 8: Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân
- 21. Bài 9: Bí Tích Truyền Chức Thánh
- 22. Bài 10: Bí Tích Hôn Phối
- 23. Bài 11: Ơn Thiên Triệu
- 24. Bài 12: Á Bí Tích
- 25. Bài 1: Sống Theo Ơn Chúa
- 26. Bài 2: Nhân Đức
- 27. Bài 3: Nhân Đức Đối Thần
- 28. Bài 4: Tội Lỗi
- 29. Bài 5: Điều Răn Thứ Nhất
- 30. Bài 6: Điều Răn Thứ Hai
- 31. Bài 7: Điều Răn Thứ Ba
- 32. Bài 8: Điều Răn Thứ Bốn
- 33. Bài 9: Điều Răn Thứ Năm
- 34. Bài 10: Điều Răn Thứ Sáu Và Thứ Chín
- 35. Bài 11: Điều Răn Thứ Bảy Và Thứ Mười
- 36. Bài 12: Điều Răn Thứ Tám
- 37. Bài 13: Sáu Điều Răn Hội Thánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét